Dịch học tinh hoa



Giới thiệu sách
Chúng ta tham khảo, tìm hiểu triết học, văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ và của các dân tộc phương Đông,để nghiên cứu, nhận thức nghiêm túc văn hóa và bản sắc của dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển qua 4.000 năm lịch sử, đã chọn lọc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, đặc biệt là các dân tộc láng giềng, nhằm bảo vệ, khẳng định và phát huy di sản, truyền thống của cha ông để lại, một nhiệm vụ trọng đại bức thiết hiện nay của chúng ta, trên bước đường đổi mới, “mở cửa”. Đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi đã lần lượt giới thiệu nhiều công trình sưu tầm, phiên dịch, nghiên cứu công phu của các cụ Phan Bội Châu, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đăng Thục, Toan Ánh, v.v…
Tiếp theo chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc một công trình lớn nữa của Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Dịch học tinh hoa. Để thay cho lời tựa về lần tái bản bộ sách quý này, chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài viết sau đây của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhan đề Đầu xuân đọc Kinh Dịch, đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, số 80, ra ngày 15-3-1992.
“Được mấy ngày nghỉ Tết, tôi ngồi đọc say sưa cuốn Kinh Dịch do NXB Thành phó Hồ Chí Minh mới cho tái bản (1991). Đọc mãi không hiểu, lại đọc lại, chỉ hiểu thêm chút ít nhưng càng đọc càng thấy khâm phục người xưa, khâm phục triết học Đông phương, khâm phục sự uyên bác của dịch giả cừ khôi Ngô Tất Tố (1894-1954). Hóa ra lâu nay ta quá say sưa với triết học Tây phương mà ít chú ý đến triết học Đông phương. Trong khi đó người dân thường tuy ít học, ít hiểu biết nhưng phần lớn đều tin tưởng và làm theo không ít những lời dạy của các vị thánh hiền phương Đông. Sự biến động ghê gớm của châu Âu gần đây, sự hưng thịnh một cách đột xuất của không ít quốc gia châu Á làm cho nhân loại không thể không chú ý nhiều hơn đến triết học phương Đông. Văn minh châu Á trở thành đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu của rất nhiều nước khác nhau.
Không phải không có lý khi cụ Phan Bội Châu coi Kinh dịch “là nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhân loại”. Cụ cho rằng đúng như tinh thần của Kinh Dịch: “Bình đẳng, đại đồng là chân tính, là hạnh phúc của nhân sinh”, “tinh thần quy cũ có trật tự đạo đức là lẽ công bình của con người”. Những tư duy của Khổng học như “không sợ dân nghèo mà chỉ sợ phân chia không đều” (Sách Luận ngữ) hoặc “tính kế trăm năm không gì bằng trồng người” (Sách Hán thư)… về sau đã được Bác Hồ nhắc lại và phát triển thêm. Mô hình phát triển của Nhật Bản và của bốn con rồng châu Á được coi đều là có động lực tinh thần của đạo Khổng.
Kinh Dịch có từ bao giờ, đến nay vẫn chẳng ai hay bởi vì từ đời vua Phục Hy tương truyền đã bắt đầu có Kinh Dịch mà ông vua thần thoại này xuất hiện cách đây hàng hàng nghìn năm hay hàng vạn năm chưa có gì chứng thực. Chỉ biết rằng trải qua hàng nghìn năm, không biết bao nhiêu vị thánh hiền đã bổ sung, lý giải, mở rộng, đào sâu để cho Kinh Dịch trở thành một tác phẩm lạ lùng, vừa uyên thâm, vừa mênh mông, vừa cụ thể, bao hàm muôn lý, không gì không có, đọc nhiều cũng được, đọc ít cũng hay, vì chỉ đôi câu đã đủ làm thành một đạo lý. Đời nhà Tống, khi viết lời tựa cho việc xuất bản Kinh Dịch, Trình Di đã phải thốt lên “Thánh nhân lo cho đời sau như thế có thể gọi là tột bậc!”.
Kể cũng lạ thật, người xưa cho rằng: “Trong khoảng trời đất có gì? Chỉ hai chữ âm dương mà thôi…”. Chẳng là nhân thì là nghĩa, chẳng cứng là mềm, chẳng thừa là thiếu, chẳng nam là nữ, chẳng trên là dưới, chẳng trong là ngoài, chẳng thịnh là suy, chẳng tiến là lui, chẳng mặn là nhạt, chẳng nóng là mát, chẳng nhanh là chậm.
Trong hoạt động của con người, âm dương luôn biến động song vẫn tạo được thế cân bằng nhờ sự tự điều chỉnh của cơ thể, nếu không sẽ sinh bệnh. Trong hoạt động xã hội, cái thế của nó là dịch, cái lý của nó là đạo, cái dụng của nó là thần, âm dương khép ngỏ là dịch, một khép một ngỏ là biến. Dương thường thừa, âm thường thiếu, đã không bằng nhau thì sẽ sinh muôn vàn biến đổi. Đạo trong gầm trời này chỉ là thiện ác nhưng cái thời cái cơ của mỗi người mỗi lúc là không giống nhau. Phải hiểu sâu sắc tu, tề, trị, bình thì mới quản lý được xã hội, mới giữ gìn được giang
Càng đọc Kinh Dịch tôi càng thấy không thể đọc vội vã như xem tiểu thuyết. Nên đọc dần từng đoạn vào lúc yên tĩnh, lúc tâm hồn yên ả, thanh thoát thì đạo lý mới lưu thông, nghĩa tình mới bao quát. Khổng Tử bảo là phải “học Dịch” (chứ không phải “đọc Dịch”) kể thật chí lý!
Nhưng thời gian quá ít, học vấn có hạn nên hấp thụ chưa được bao nhiêu, chỉ thấy lý thú mà viết nên những dòng này, mong nhiều người tìm mua, tìm đọc. Tiếc rằng sách in quá ít (1000 bản) giá bán quá cao (60 nghìn đồng),liệu mấy ai mua được đọc được?
Xin nêu lên vài điều tâm đắc khi bước đầu “học
Trong quẻ Kiền có lời Kinh: “Thượng hạ vô thưởng, phi vi tà dã: tiến thoái vô hằng, phi ly quần dã”… (lên xuống bất thường, không làm điều xấu, tiến lui không nhất định, đừng xa rời quần chúng…). Trong quẻ Truân có lời Kinh: “Tuy bàn hoàn chỉ hành chính dã. Di quý hạ tiện, đại đắc dân dã…” (tuy gian truân có chí sẽ làm nên, là người hiền chịu dưới kẻ hèn nhưng rồi sẽ được dân tin…). Trong quẻ Mông có lời Kinh: “Lợi dụng hình nhân, dĩ chính pháp dã…”
Quẻ Nhu có lời Kinh: “Nhu, hữu phu, quang hanh,trinh, cát, lợi thiệp đại xuyên…” (Mềm mỏng nếu có lòng tin sẽ sáng láng hanh thông chính bền là tốt có lợi cho việc vượt sông lớn…). Quẻ Tụng có lời Kinh:“Tụng nguyên cát, dĩ trung chính dã” (Trong thì nghe không lệch, chính thì xét xử hợp tình)…
Trong thời buổi cái đúng cái sai còn lẫn lộn, người tốt người xấu chưa tường minh, khó chung khóriêng đầy rẫy, nhưng cái gốc của dân mãi mãi là tốt, đường lối đi lên đã được mở, tôi mong sao mỗi người hàng ngày có chút thời gian bình tâm đọc Kinh Dịch, nghe lời người xưa mà ngẫm chuyện ngày nay, nghe lời thiện mà tránh điều ác, nghe lời nhân mà làm điều nghĩa.
Không hiểu đó có phải là một điều mong ước quá sức không?”

Link Download:

SHARE THIS

CỘNG ĐỒNG YÊU SÁCH là một Blog chia sẻ ebook, tài iệu HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, nhằm chia sẻ với cộng đồng yêu đọc sách với kho dữ liệu phong phú, đa dạng và được cập nhật hàng ngày. Rất mong nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng yêu đọc sách. Nhằm lan tỏa đi tinh thần gìn giữ cũng như thói quen yêu đọc sách từ ngàn xưa của người Việt chúng ta.

0 nhận xét: